Nạn buôn bán người: Từ bẫy "việc nhẹ lương cao" đến nạp mình cho tội phạm
(Theo vtv.vn) Khoảng 1 triệu người bị mua bán trên thế giới mỗi năm
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mekong (trong đó có Việt Nam), tình hình tội phạm mua bán người ngày phức tạp, tinh vi. Tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao, xuất khẩu lao động với chi phí thấp… nhưng để lừa bán, ép buộc, cưỡng bức lao động.
Nhiều đường dây buôn bán người bất hợp pháp liên tục bị triệt phá nhờ sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng của Việt Nam với các cơ quan nước ngoài trong việc giải cứu, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân.
Đây là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp, đặc biệt là trong xu thế tình hình tội phạm trên thế giới và khu vực ngày càng gia tăng.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc (LHQ), mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến 1 triệu người bị mua bán. Như vậy có khoảng 3.000 người bị mua bán mỗi ngày. Song số vụ việc được đưa ra "ánh sáng" vẫn ở mức thấp so với thực tế và những đối tượng này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Khách quan mà nói, rõ ràng đây là thách thức với bất kỳ quốc gia nào. Cơ quan Cảnh sát châu Âu ước tính rằng hơn 90% người di cư, trên hành trình đi tìm "miền đất hứa", đã ít nhất một lần sử dụng "dịch vụ" của những kẻ buôn người.
Hơn 150 quốc gia ở tất cả các châu lục đang phải đối mặt với loại hình tội phạm mua bán người. Theo thống kê của LHQ, có khoảng gần 25 triệu nạn nhân của nạn mua bán người trên khắp thế giới, trong đó có lao động cưỡng bức, nô lệ tình dục, buôn bán nội tạng, bắt cóc...
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50.000 nạn nhân mua bán người được phát hiện, trong khi số tội phạm bị xử lý chỉ ở mức 3.500 trong số khoảng 510 đường dây buôn người trên toàn cầu. Trong số nạn nhân này, gần một nửa là phụ nữ, và gần 20% là trẻ em gái.
Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm và tạo ra các lỗ hổng cho nạn mua bán người như tạo thêm bất ổn, nghèo đói, khiến các nhóm dễ bị tổn thương dễ trở thành các con mồi của các tổ chức tội phạm. Đại dịch khiến các nạn nhân giảm 73% khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, 70% khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, 63% khả năng tiếp cận các trợ giúp pháp lý. Báo cáo của UNODC trích dẫn thống kê từ 1 tổ chức nhân quyền, số vụ mua bán người tại Mỹ trong giai đoạn dịch cOVID-19 đã tăng 185% so với trước đó.
Những năm gần đây, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mekong (trong đó có Việt Nam), tình hình tội phạm mua bán người rất phức tạp. Số nạn nhân bị mua bán khoảng là 11,7 triệu người, trong đó 55% là phụ nữ và trẻ em gái; 45% là nam giới.
Do siêu lợi nhuận thu được từ hoạt động mua bán người; tình trạng mất cân bằng về giới và các tác động khác, các hoạt động mua bán người ở Việt Nam cũng vì thế mà gia tăng về số vụ và tính chất phức tạp. Gần 85% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc, trong đó, sang Trung Quốc chiếm 75%.
Nhiều thủ đoạn tiếp cận, lừa đảo tinh vi của các đường dây tội phạm
Kể từ năm 2011, Việt Nam đã có Luật phòng chống mua bán người, các quy định để xử lý loại tội phạm nguy hiểm và phi nhân tính này. Cơ quan chức năng cũng nỗ lực trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ việc mua bán người. Tuy nhiên, việc đi lại giữa các quốc gia, các châu lục ngày càng mở rộng như hiện nay một mặt tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động giao thương, du lịch ngày càng thuận lợi; mặt khác nó cũng khiến cho hoạt động mua bán người ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp, khó đối phó.
Phần lớn nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia thời gian gần đây đều thông qua mạng xã hội. Các đối tượng sử dụng thông tin giả để dụ dỗ, tạo lòng tin, lừa gạt nạn nhân. Nhẹ dạ với lời hứa việc nhẹ, lương cao, nhiều người vượt biên trái phép, tự nạp mình cho đường dây tội phạm.
Phần lớn nạn nhân bị lừa bán sang nước ngoài thời gian gần đây đều thông qua mạng xã hội
Họ vừa là nạn nhân, vừa vi phạm pháp luật. Việc giải cứu họ khỏi những "miệng hố tử thần" vì thế tùy thuộc rất nhiều vào sự phối hợp của lực lượng chức năng sở tại.
Đại tá Đoàn Thế Vinh, Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết: "Nhiều khi giữa nạn nhân và đối tượng không thông thuộc, không nắm bắt được vấn đề quan hệ và nhân thân cụ thể. Do đó khi sang bên kia chuyển qua rất nhiều khâu, cầu vì rất nhiều mục đích khác nhau. Việc xác minh, xác định giải cứu khó khăn bởi liên quan đến vấn đề luật pháp, liên quan đến vấn đề hợp tác của mỗi nước, tiêu chí nạn nhân của mỗi nước".
Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết thêm: "Việc triển khai công tác này là rất khó khăn do liên quan đến các đường dây tội phạm nguy hiểm, đồng thời cũng cần phải được tổ chức nhanh chóng. Nhưng với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong nước và sự hợp tác tích cực của phía bạn, cuối cùng ta đã kịp thời hoàn tất việc giải cứu công dân".
Việc điều tra, xử lý các đối tượng theo đúng tội danh mua bán người cũng không đơn giản. Bởi các đối tượng sử dụng những thủ đoạn tiếp cận, lừa đảo, tổ chức mua bán tinh vi, lại diễn ra trên nước khác.
Đại tá Đoàn Thế Vinh, Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an chia sẻ: "Dấu hiệu của việc mua bán người có những việc có dấu hiệu cụ thể. Có những việc là mục đích đưa người sang lao động. Quá trình điều tra xác minh củng cố tài liệu chứng cứ xử lý các đối tượng về hành vi mua bán người gặp rất nhiều khó khăn bởi vì đỏi hỏi phải đủ chứng cứ tài liệu để chứng minh hành vi theo điều 150, 151 của Bộ Luật hình sự".
Lấy nạn nhân là trung tâm trong phòng chống mua bán người
"Lấy nạn nhân là trung tâm" được xác định là nguyên tắc của các lực lượng chức năng Việt Nam trong điều tra, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra tại Lễ phát động hưởng ứng "Ngày thế giới phòng chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng chống mua bán người" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an vừa được tổ chức.
Các quy định về phòng chống mua bán người được ghi nhận trong 2 Bộ luật Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cùng với 6 Luật là Luật phòng, chống mua bán người năm 2011, Luật tương trợ tư pháp năm 2007, Luật điều ước quốc tế năm 2016, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật trẻ em năm 2016, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015…
Điều này cho thấy tính chặt chẽ trong các quy định pháp luật liên quan đến buôn bán người nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống mua bán người. Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, tiếp tục truyền đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.
Cùng trao đổi vấn đề này trong chương trình Sự kiện & bình luận là ông Đặng Xuân Hồng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ và bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.