Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 4

    Hôm nay: 3

    Đã truy cập: 383847

quy trình kết nạp đảng viên

Quy trình kết nạp đảng viên 

Quy trình kết nạp đảng viên

Hàng quý, hàng năm chi uỷ, chi bộ rà soát đánh giá sự phấn đấu vào Đảng của quần chúng ưu tú, phân công đảng viên giáo dục và giúp đỡ quần chúng (thuộc diện cảm tình và đối tượng kết nạp Đảng). Đối với quần chúng đã hết tuổi sinh hoạt Đoàn cần hai đảng viên giúp đỡ, đối với quần chúng còn tuổi sinh hoạt Đoàn cần một đảng viên giúp đỡ và tổ chức Đoàn Thanh niên.

Sau ít nhất 12 tháng giúp đỡ quần chúng phấn đấu vào đảng, đảng viên được chi bộ phân công (hoặc Đoàn Thanh niên) giúp đỡ, thấy quần chúng đã đủ điều kiện và tiêu chuẩn vào Đảng thì đề nghị chi uỷ xem xét và trình Đảng ủy. Sau khi chi bộ biểu quyết nhất trí đối tượng đủ tiêu chuẩn về nhận thức, năng lực công tác và đạo đức thì chi uỷ tiến hành làm các thủ tục để đề nghị xét kết nạp.

1. Nội dung hồ sơ kết nạp Đảng
- Lí lịch của người xin vào Đảng;
- Đơn xin vào Đảng (không quá 3 trang);
- Giấy giới thiệu người ưu tú vào Đảng (2 đảng viên giới thiệu đối với người không còn tuổi sinh hoạt đoàn);
- Nghị quyết giới giới thiệu đoàn viên ưu tú vào Đảng (đối với người đang sinh hoạt đoàn);
- Nhận xét của đoàn thể người xin vào Đảng sinh hoạt:
+ Tổ công đoàn nơi quần chúng trực tiếp sinh hoạt và ban chấp hành công đoàn bộ phận (nếu người vào Đảng đã hết tuổi sinh hoạt Đoàn);
+ Chi đoàn cán bộ (nếu còn tuổi sinh hoạt Đoàn)
- Nhận xét của nơi cư trú;
- Tổng hợp ý kiến nhận xét của đoàn thể và nơi cư trú;
- Giấy chứng nhận học lớp nhận thức về Đảng;
- Xác nhận thẩm tra lí lịch đối tượng xét kết nạp Đảng;
- Nghị quyết đề nghị kết nạp đảng viên của chi bộ.

2. Các mẫu văn bản trong hồ sơ đề nghị kết nạp Đảng
2.1. Nội dung khai lí lịch (theo các mục)
1. Họ và tên đang dùng: Viết đúng họ, chữ đệm và tên, ghi như trong giấy chứng minh nhân dân, bằng chữ in hoa, ví dụ: NGUYỄN VĂN HÙNG.
2. Nam, Nữ: Là nam thì gạch “Nữ”, là nữ thì gạch “Nam”.
3. Họ và tên khai sinh: Viết đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy khai sinh.
4. Bí danh: Viết các bí danh đã dùng.
5. Ngày, tháng, năm sinh: Viết đúng ngày, tháng, năm sinh đã ghi trong giấy khai sinh. Nếu không còn giấy khai sinh thì khai theo chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc theo các giấy tờ cần thiết khác chứng minh đủ điều kiện theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Dân sự.
6. Nơi sinh: Viết rõ thôn, xã, huyện, tỉnh/thành phố theo tên hiện dùng của hệ thống hành chính nhà nước nơi cấp giấy khai sinh.
7. Quê quán: Là nơi sống của ông, bà nội, cha đẻ, trường hợp cá biệt có thể ghi theo quê quán của mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ bố mẹ). Viết địa chỉ như mục 06 nêu trên.
8. Nơi ở hiện nay: Là nơi đăng kí trong hộ khẩu. Viết địa chỉ như mục 06 nói trên. Nếu bản thân hiện nay đang tạm trú thì viết thêm địa chỉ nơi tạm trú.
9. Dân tộc: Viết tên dân tộc gốc của bản thân như: Kinh, Thái, Tày, Nùng, Mường,… (nếu  bố/mẹ là người nước ngoài thì ghi rõ quốc tịch, dân tộc của bố/mẹ là người nước ngoài).
10. Tôn giáo: Trước khi vào Đảng theo tôn giáo nào thì ghi rõ, ví dụ: đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo,… kèm theo chức sắc trong tôn giáo (nếu có); nếu không theo đạo nào thì ghi là “Không”.
11. Nghề nghiệp của bản thân hiện nay: Viết rõ, ví dụ: công nhân, nông dân, công chức, viên chức, nhân viên, thợ thủ công, bộ đội, nhà văn, nhà báo, chủ doanh nghiệp,…; nếu sống phụ thuộc gia đình thì ghi là “Sinh viên”.
12. Trình độ hiện nay:
- Giáo dục phổ thông: Viết rõ đã học xong lớp mấy trong hệ 10 năm (hoặc 12 năm), chính quy hay bổ túc văn hoá. Ví dụ: 8/10 chính quy, 9/10 bổ túc văn hoá, 10/12, 12/12,….
- Chuyên môn, nghiệp vụ, học hàm, học vị: Viết theo văn bằng đã được cấp sau khi được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, kĩ thuật; ghi rõ chuyên ngành đào tạo, hệ đào tạo (chính quy, tại chức). Cụ thể như sau:
+ Chuyên môn, nghiệp vụ: Viết theo bằng cấp về chuyên môn nghiệp vụ. Ví dụ: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Đại học Nông nghiệp 1,…
+ Học vị: Viết rõ học vị theo bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ. Ví dụ: Tiến sĩ Toán học, Thạc sĩ Triết học, Cử nhân Luật, Kĩ sư cơ khí,… theo đúng văn bằng. Ghi tất cả các bằng đã được cấp.
+ Học hàm: Là danh hiệu được Nhà nước phong như: giáo sư, phó giáo sư.
- Lí luận chính trị: Viết theo chứng chỉ, văn bằng đã được cấp như: sơ cấp, trung cấp, cao cấp, cử nhân; hệ chính quy hay tại chức. Nếu đã học xong chương trình 2 năm ở trong nước trước đây, ở Liên Xô (cũ) và một số nước xã hội chủ nghĩa khác thì viết là cao cấp. Nếu đã học ở các trường đại học trong nước theo quy định của Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương (các khoa học học xã hội và nhân văn ở Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn... thì được công nhận tương đương trình độ lí luận chính trị trung cấp).
- Ngoại ngữ: Viết theo văn bằng hoặc chứng nhận đã được cấp: Cử nhân Anh ngữ, Pháp ngữ, Nga ngữ,… (nếu tốt nghiệp đại học ngoại ngữ). Đối với hệ bồi dưỡng ngoại ngữ thì ghi là Anh, Nga, Pháp,… trình độ A, B, C.
13. Ngày và nơi kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Viết rõ ngày, tháng, năm và nơi kết nạp Đoàn (chi đoàn, đoàn cơ sở, huyện, tỉnh hoặc cơ quan trung ương).
14. Ngày và nơi kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ nhất (nếu có): Viết rõ ngày, tháng, năm và nơi kết nạp vào Đảng (chi bộ, đảng bộ cơ sở, huyện, tỉnh hoặc cơ quan trung ương).
15. Ngày và nơi công nhận chính thức lần thứ nhất (nếu có): Viết như mục 14.
16. Người giới thiệu vào Đảng lần thứ nhất (nếu có): Viết rõ họ, tên, chức vụ, đơn vị công tác từng người lúc giới thiệu mình vào Đảng. Nếu được ban chấp hành Đoàn cơ sở giới thiệu thì viết rõ tên Đoàn Thanh niên cơ sở và tổ chức Đoàn Thanh niên cấp trên trực tiếp.
17. Lịch sử bản thân: Tóm tắt quá khứ từ thời niên thiếu cho đến ngày tham gia hoạt động xã hội (như ngày vào Đoàn Thanh niên, nhập ngũ), ngày thoát li hoặc ngày vào hoạt động trong các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội.
18. Những công tác, chức vụ đã qua: Viết đầy đủ, rõ ràng, liên tục (theo tháng) từ khi tham gia hoạt động xã hội đến nay, từng thời gian làm việc gì, ở đâu; giữ chức vụ gì về Đảng, chính quyền, trong lực lượng vũ trang, các đoàn thể, các tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học, xã hội,… (viết cả thời gian nhập ngũ, xuất ngũ, tái ngũ, bị bắt, bị tù, bị đứt liên lạc hoặc không hoạt động nếu có).
19. Đặc điểm lịch sử: Viết rõ lí do bị ngừng sinh hoạt Đảng (nếu có); có bị bắt, bị tù không (do chính quyền nào, bị bắt hoặc bị tù từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào, ở đâu); có tham gia hoặc có quan hệ với các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nào ở nước ngoài (làm gì, tổ chức nào, đặt trụ sở ở đâu) không.
20. Những lớp đào tạo, bồi dưỡng đã qua: Viết rõ đã học những lớp chính trị hay chuyên môn, nghiệp vụ nào, theo chương trình gì; cấp nào mở, tên trường, thời gian học, địa điểm; hệ đào tạo (chính quy, tại chức); tên văn bằng hoặc chứng chỉ được cấp.
21. Đi nước ngoài: Viết rõ thời gian từ tháng năm nào đến tháng năm nào, đi nước nào, nội dung đi, do cấp nào cử đi.
22. Khen thưởng: Viết rõ tháng năm, hình thức được khen thưởng (từ bằng khen trở lên), cấp quyết định; các danh hiệu được Nhà nước phong tặng: Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú…
23. Kỉ luật: Viết rõ tháng năm, lí do sai phạm, hình thức kỉ luật (về kỉ luật đảng, chính quyền, đoàn thể từ khiển trách trở lên). Cấp quyết định kỉ luật.
24. Hoàn cảnh gia đình: Viết rõ họ tên, năm sinh, quê quán, chỗ ở, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế, thái độ chính trị của từng người qua các thời kì.
- Về hoàn cảnh kinh tế từng người: Viết rõ thành phần giai cấp trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong cải cách ruộng đất năm 1954 (ở miền Bắc) hoặc trong cải tạo công, nông, thương nghiệp năm 1976 ở các tỉnh/thành phố phía nam từ Quảng Trị trở vào như: cố nông, bần nông, trung nông, phú nông, địa chủ, công chức, viên chức, dân nghèo, tiểu thương, tiểu chủ, tiểu tư sản, tư sản,… (nếu có sự thay đổi thành phần giai cấp cần nói rõ lí do). Nếu thành phần gia đình chưa được quy định ở các thời điểm trên thì ghi theo nghề nghiệp.
- Nguồn thu nhập, mức sống của gia đình hiện nay (viết tại thời điểm kê khai):
+ Tổng thu nhập của hộ gia đình (trong 1 năm): Gồm lương, các nguồn thu khác của bản thân và của các thành viên cùng sinh sống chung trong một hộ gia đình về kinh tế;
+ Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đất kinh doanh (viết rõ nguồn gốc: được cấp, được thuê, tự mua, xây dựng, nhà đất kế thừa,… tổng diện tích) của bản thân và của các thành viên khác cùng sinh sống chung trong một hộ gia đình (thành viên nào đã ra ở riêng thì không khai ở đây);
+ Hoạt động kinh tế: Viết rõ kinh tế cá thể, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ti trách nhiệm hữu hạn, công ti cổ phần tư nhân, chủ trang trại,… số lao động thuê mướn;
+ Những tài sản có giá trị lớn: Viết những tài sản của bản thân và hộ gia đình có giá trị 50 triệu đồng trở lên.
- Về thái độ chính trị của từng người: Viết rõ đã tham gia tổ chức cách mạng; làm công tác gì, giữ chức vụ gì, tham gia hoạt động và giữ chức vụ gì trong tổ chức chính quyền, đoàn thể, đảng phái,… của đế quốc hoặc chế độ cũ; hiện nay, những người đó làm gì, ở đâu. Nếu chết thì ghi rõ lí do chết, năm nào, tại đâu.
- Anh chị em ruột của bản thân, của vợ (hoặc chồng), các con: Viết rõ họ tên, năm sinh (tuổi), chỗ ở, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế, thái độ chính trị qua các thời kì.
- Đối với ông, bà, nội ngoại, chú bác cô dì cậu ruột: Viết rõ họ tên, tuổi, chỗ ở, nghề nghiệp và thái độ chính trị qua các thời kì của từng người.
25. Tự nhận xét: Viết những ưu, khuyết điểm chính của bản thân về các mặt: phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực công tác và quan hệ quần chúng từ khi phấn đấu vào Đảng đến nay; sự tín nhiệm của quần chúng và đảng viên ở đơn vị công tác đối với bản thân...
26. Cam đoan và kí tên: Viết “Tôi cam đoàn đã khai đầy đủ, rõ ràng và chịu trách nhiệm trước Đảng về những điều đã khai trong lí lịch”. Viết rõ ngày, tháng, năm, kí tên, ghi rõ họ tên.
27. Nhận xét của chi uỷ chi bộ: Cần nêu rõ bản lí lịch đã khai đúng sự thật chưa, không đúng ở điểm nào; có vi phạm tiêu chuẩn lịch sử chính trị không; quan điểm, lập trường chính trị của người vào Đảng, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, lối sống và quan hệ quần chúng,… của người xin vào Đảng.
28. Chứng nhận của cấp uỷ cơ sở: Sau khi đã có kết quả thẩm tra, xác minh làm rõ những vấn đề chưa rõ hoặc còn nghi vấn trong nội dung lí lịch của người xin vào Đảng, tập thể cấp uỷ cơ sở xem xét, kết luận, thì đồng chí bí thư cấp uỷ viết rõ: “Chứng nhận lí lịch của đồng chí … khai tại đảng bộ (hoặc chi bộ) cơ sở … là đúng sự thật; không (hoặc có) vi phạm lịch sử chính trị của người vào Đảng theo quy định số 75 -QĐ/TW, ngày 25/4/2000 của Bộ Chính trị khoá VIII; có đủ (hoặc không đủ) điều kiện về lịch sử chính trị để xem xét kết nạp đồng chí … vào Đảng”. Viết rõ ngày, tháng, năm, chức vụ, kí tên, họ và tên đóng dấu của cấp uỷ cơ sở. Trường hợp cấp uỷ cơ sở không có con dấu, thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp xác nhận chữ kí của bí thư cấp uỷ cơ sở, ghi rõ chức vụ, kí tên, đóng dấu của cấp uỷ.
29. Chứng nhận của cấp uỷ, tổ chức đảng,… nơi đến thẩm tra lí lịch người vào Đảng:
- Chứng nhận của ban thường vụ hoặc của ban chấp hành đảng bộ cơ sở nơi đến thẩm tra:
Viết những nội dung cần thiết về lí lịch của người xin vào Đảng do cấp uỷ nơi có người xin vào Đảng yêu cầu, đã được tập thể cấp uỷ thống nhất; đồng chí thay mặt cấp uỷ kí tên, ghi rõ chức vụ, họ tên và đóng dấu của cấp uỷ.
- Chứng nhận của cơ quan tổ chức hoặc của cấp uỷ cấp trên cơ sở (nếu có): Viết những nội dung cần thiết về lịch sử của người xin vào Đảng do cấp uỷ nơi có người xin vào Đảng yêu cầu, đã được tập thể cấp uỷ hoặc ban tổ chức thống nhất; đồng chí đại diện cấp uỷ hoặc của ban tổ chức kí tên, ghi rõ chức vụ, họ tên và đóng dấu của cấp uỷ hoặc của ban tổ chức.
Sau khi đối tượng khai lí lịch, chi bộ cử đảng viên đi thẩm tra lí lịch; sau khi đã thẩm tra lí lịch, đối chiếu với Điều lệ Đảng, nếu lí lịch của đối tượng xét kết nạp không vi phạm về lịch sử chính trị thì chi bộ thông báo cho đối tượng viết đơn xin vào Đảng Cộng sản Việt Nam (theo mẫu).
2.2. Thứ tự khai lí lịch
A. Gia đình bản thân
I. Bên nội:
1. Ông nội
2. Bà nội
3. Bố
4. Mẹ
5. Anh chị em ruột của bản thân
6. Anh chị em ruột của bố
7. Chồng (vợ)
8. Con
II. Bên ngoại:
1. Ông ngoại
2. Bà ngoại
3. Anh chị em ruột của mẹ
B. Gia đình bên vợ (hoặc chồng)
I. Bên nội:
1. Ông nội
2. Bà nội
3. Bố
4. Mẹ
5. Anh chị em ruột của vợ (chồng)
6. Anh chị em ruột của bố
II. Bên ngoại:
1. Ông ngoại
2. Bà ngoại
3. Anh chị em ruột của mẹ

Theo vinhlv

Bản quyền sử dụng © Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Thanh Hóa

Đồng chí Hoàng Mạnh Cường - Bí thư - Trưởng ban Biên tập.

Địa chỉ: 35 Hà Văn Mao - Phường Ba Đình - Thành phố Thanh Hóa - Điện thoại: 02373.720.557 - Email: dkcqdnthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa