Cái ô ... nghe cái cán!
Ngày xưa, các cụ bảo, “Cái ô phải che cái cán”. Nhưng bây giờ thì khác rồi. “Cái ô phải… nghe cái cán”
(Dân trí) - Ngày xưa, các cụ bảo, “Cái ô phải che cái cán”. Nhưng bây giờ thì khác rồi. “Cái ô phải… nghe cái cán”.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Mới đầu giờ sáng, một người bạn đã gọi điện than vãn:
- Chán quá anh ạ!
Ui giời, tưởng gì chứ chán thì có gì là lạ. Mình nhiều lúc còn chán bằng mấy nhưng chả lẽ lại dội gáo nước lạnh vào nhau nên đành đưa chuyện:
- Có chuyện gì mà chán sớm thế ông bạn?
- Loạn, loạn hết rồi. Trên bảo dưới không nghe.
Úi giời! - Lại úi giời! - Chuyện gì chứ chuyện trên bảo dưới không nghe thì ở ta là chuyện thường ngày ở… mọi nơi mọi chốn. Nhưng chả lẽ lại nói thẳng rằng sự đời là vậy khiến chú chàng buồn nên đành phải à ơi:
- Chú cứ quá lời. Loạn là loạn thế nào? Mà ai bảo ai không nghe?
- Thì đấy, chuyện căn nhà 194 Phố Huế (Hà Nội) đấy. Người ta mang ngôi nhà cả trăm tỉ đồng làm tài sản bảo lãnh để vay 5 tỉ đồng, nhưng cơ quan Thi hành án Quận Hai Bà Trưng lại đem ngôi nhà trăm tỉ này ra đấu giá chỉ với 31 tỉ đồng để đòi nợ. Trước sự việc trên, Tòa án Kinh tế - Tòa Tối cao đã có quyết định hủy án sơ thẩm, giao cho Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xét xử lại từ đầu. Trong khi Tòa án Hà Nội đang thụ lý vụ án, thì cơ quan Thi hành án Quận Hai Bà Trưng đã vội vã tiến hành cưỡng chế. Khi tòa cấp trên đã hủy án của tòa cấp dưới, tức là vụ án phải thụ lý lại từ đầu. Nghĩa là chưa biết ai đúng, ai sai sao đã vội cưỡng chế? Tòa trên hủy, tòa dưới cứ thi hành không phải là trên bảo dưới không nghe thì là gì?
Chú này thật ngây thơ. Ngày xưa, các cụ bảo, “Cái ô phải che cái cán”. Nhưng bây giờ thì khác rồi. “Cái ô phải… nghe cái cán”. Mình bèn kể cho ông bạn câu chuyện tiếu lâm sau:
Có một lần chắc là có hơi men nên hứng chí, cái ô mới bảo cái cán:
- Này cán, sao chú không nghe chỉ đạo của tôi?
- Dạ, em có nghe đấy chứ ạ?
- Nghe, nghe mà tôi chỉ đạo một đằng, chú làm một nẻo? Chú liệu đấy, không nghe lời là tôi cách cái chức của chú đấy nhé.
- Này, bác bĩnh tĩnh nhé – Cán có vẻ nổi nóng – Bỏ cái giọng đe nẹt như thế đi nhé. Tôi hỏi bác, bác làm nên tôi hay tôi làm nên bác? Đành rằng là bề trên, bác che chắn cho tôi nhưng chính cái cán tôi mới dựng lên bác. Không có tôi, thử hỏi xem liệu bác có giương lên che chắn giời xanh được không? Nói cho mà biết nhé, chả biết bác cách cái chức của tôi hay tôi tước cái chức của bác trước khi bác kịp cách cái chức của tôi.
Nghe đến câu này, cậu bạn đầy ngạc nhiên than rằng:
- Lạ thật! Lạ thật! “Cái ô phải nghe cái cán” thì lạ thật!
Chả biết mọi người có lạ không còn mình thì chả có gì mà lạ!
Bùi Rửa Bát