Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 106

    Hôm nay: 243

    Đã truy cập: 461777

Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 7/2016: Tỏa sáng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Giữa những ngày “Tháng Bảy tri ân”, Tổ quốc ta, nhân dân ta đời đời nhớ ơn và ghi sâu công lao to lớn của các liệt sĩ, thương binh, những người có công với nước trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Giữa những ngày “Tháng Bảy tri ân”, Tổ quốc ta, nhân dân ta đời đời nhớ ơn và ghi sâu công lao to lớn của các liệt sĩ, thương binh, những người có công với nước trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Theo Báo Đại biểu nhân dân, trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại do Đảng ta lãnh đạo nhằm giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có biết bao ng­ười con của nhân dân ta đã anh dũng hy sinh, cống hiến x­ương máu, sức lực, tài sản và trí tuệ cho đất nư­ớc. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc, hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc đã hy sinh hoặc cống hiến một phần thân thể của mình cho sự nghiệp cao cả của dân tộc, hàng trăm nghìn người vợ, người mẹ đã hiến dâng người chồng và nhiều người con cho Tổ quốc.


Đoàn viên thanh niên thăm tặng quà gia đình chính sách

 Để đền đáp một phần những cống hiến, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, ngày 16 tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL đặt “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”; từ đó đến nay đã trở thành một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Ngày 27/7/1947 đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam, Nha thông tin, tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ, và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày làm ngày “thương binh”. Sau khi cân nhắc về nhiều mặt, Hội nghị nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27/7/1947 làm ngày“thương binh toàn quốc”. Chiều 27/7/1947, một cuộc mít tinh quan trọng tổ chức tại huyện Đại Từ (Bắc Thái) có 2000 người tham gia. Ban Tổ chức ngày “thương binh toàn quốc” đã trịnh trọng đọc thư của Hồ Chủ tịch. Trong thư Người cho biết đã ủng hộ một chiếc áo lụa của Hội Phụ nữ gửi biếu Người, một tháng lương và một bữa ăn trưa của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Từ năm 1947, ngày “Thương binh” đã được tổ chức trọng thể thường kỳ hằng năm.Sau 9 năm kháng chiến, ngày 31 tháng 12 năm 1954 Bác Hồ đã đến làm lễ đặt vòng hoa ở Đài Liệt sĩ Ba Đình Hà Nội. Trong diễn từ tại buổi lễ, Người viết: "Hỡi các liệt sĩ. Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Tôi thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ… Một nén hương thanh. Vài lời an ủi" . 

Với quan điểm khoa học và đầy tinh thần lạc quan "tàn nhưng không phế", Bác khuyên anh em thương binh: "Khi đã khôi phục sức khoẻ phải hăng hái tham gia công tác sản xuất để trở nên người công dân kiểu mẫu. Bác chúc các gia đình liệt sĩ trở thành những "gia đình cách mạng gương mẫu".

Từ năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm, đạo lý, nghĩa vụ, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta và các thế hệ người Việt Nam đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Trước lúc đi xa, trong bản “Di Chúc” Người không quyên căn dặn “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời  phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự  hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha, mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ đói rét”.

Thực hiện tư tưởng của Bác, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành, bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản pháp luật ưu đãi đối với người có công, khắc phục một số bất hợp lý, giải quyết một khối lượng lớn công việc do hậu quả của chiến tranh để lại, hình thành một hệ thống văn bản pháp quy có hiệu lực thực hiện thống nhất trong cả nước. Cùng với sự đổi mới của đất nước khi thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, công tác ưu đãi người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI tiếp tục ghi nhận: "Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển. Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho những người và gia đình có công với cách mạng". Vấn đề ưu đãi người và gia đình có công với cách mạng đã trở thành nguyên tắc Hiến định và được ghi nhận trang trọng tại Điều 67 của Hiến pháp năm 1992: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và đời sống ổn định. Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc”. Đến Hiến pháp sửa đổi năm 2013 quy định: “Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước”. Đây là điểm tiến bộ rất đáng ghi nhận so với Hiến pháp năm 1992, thể hiện truyền thống nhân văn cao đẹp của dân tộc ta.69 năm trôi qua, đạo lý “uống nước nhơ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta càng được thắp sáng trong tâm trí mỗi người Việt Nam yêu nước, trở thành phong trào của toàn xã hội chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với gia đình liệt sĩ, thương binh và các đối tượng chính sách. Các tầng lớp nhân dân trong cả nước, từ các cháu thiếu niên, nhi đồng đến người cao tuổi; từ các đơn vị, các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế; từ các cơ quan trường học, bệnh viện đến các đơn vị làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo xa xôi…đều có những việc làm nghĩa tình, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh những người đã hy sinh xương máu hoặc một phần cơ thể cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Tải tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 7/2016 tại đây.
(Theo website Trung ương Đoàn)


Bản quyền sử dụng © Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Thanh Hóa

Đồng chí Nguyễn Thị Mai - Bí thư Đoàn khối

Địa chỉ: 35 Hà Văn Mao - Phường Ba Đình - Thành phố Thanh Hóa - Điện thoại: 02373.720.557 - Email: dkcqdnthanhhoa@gmail.com

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa