Báo chí góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống các quan điểm sai trái, thù địch được xác định là nhiệm vụ tất yếu hiện nay và đòi hỏi sự tham gia trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lực lượng xã hội. Trong đó, báo chí - vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa đã và đang cho thấy vai trò quan trọng trong cuộc chiến đầy cam go, phức tạp này.
Nền báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, luôn đồng hành cùng chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng và Nhân dân ta. Ngày nay, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, báo chí đang phát triển nhanh chóng, toàn diện và khẳng định vị thế quan trọng của nó trong xã hội. Trong dòng chảy báo chí hiện đại, báo chí nước ta cũng đang thay đổi cho phù hợp với xu thế chung. Song sứ mệnh cao cả và xuyên suốt của nền báo chí cách mạng Việt Nam vẫn là một “binh chủng” xung kích, đi đầu trong công tác tư tưởng của Đảng.
Báo chí là phương tiện quan trọng truyền bá hệ tư tưởng của Đảng, giáo dục lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho hệ tư tưởng này trở thành chủ đạo, chiếm ưu thế trong đời sống tinh thần, tư tưởng của đông đảo Nhân dân. Đặc biệt, báo chí được xác định là một trong những lực lượng tiên phong trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động, phần tử cơ hội đang tìm mọi cách chống phá, nhằm hạ uy tín và vai trò của Đảng, cũng như hòng làm suy giảm niềm tin của Nhân dân. Đây là một nhiệm vụ phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi báo chí nói chung, người làm báo nói riêng, phải kiên trì, trung thành, hiểu biết và tính chuyên nghiệp cao.
Đảng ta lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động. Ngay từ khi ra đời (3-2-1930) đến nay, Đảng ta luôn kiên quyết đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch. Trải qua hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch đã góp phần quan trọng nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, bồi dưỡng nhận thức đúng đắn cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; đồng thời, giữ vững định hướng XHCN và khẳng định những nguyên tắc cơ bản của công cuộc đổi mới. Nhờ đó, nền tảng tư tưởng của Đảng được giữ vững.
GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng, chưa bao giờ tầm vóc và sức mạnh của dân tộc, của đất nước lại rạng rỡ và mạnh mẽ như hôm nay. Điều đó làm cho công tác lý luận nói chung và cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng có một “cốt vật chất” vững chắc để thực hiện nhiệm vụ. Nhưng mặt khác, những thách thức đối với cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch cũng không hề nhỏ, mà lý do chính là những hạn chế, khiếm khuyết trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Thực tế cho thấy, trước những bước ngoặt của sự nghiệp cách mạng, những khó khăn của đất nước hoặc ở thời điểm quan trọng, nhạy cảm, các thế lực thù địch thường đẩy mạnh chống phá về tư tưởng.
Chẳng hạn như trước và sau Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch tập trung phê phán, đả kích Chủ nghĩa Mác - Lênin và phủ định Tư tưởng Hồ Chí Minh, hòng làm lung lay nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời, tấn công vào đường lối, chủ trương của Đảng. Đặc biệt, mục tiêu của các thế lực thù địch là tập trung hướng vào nội bộ ta, tìm mọi hình thức tinh vi hoặc trắng trợn, công khai hoặc bí mật, ráo riết làm cho nội bộ không ổn định, luôn luôn gieo rắc ngờ vực, nghi kỵ, giảm sút lòng tin hòng gây chia rẽ, lục đục nội bộ. Ngoài ra, bôi nhọ lịch sử cũng là một thủ đoạn mới của các đối tượng phản động, nhằm phá hoại về tư tưởng, làm mất lòng tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ...
Trước thực trạng trên và nhất quán quan điểm, đường lối của Đảng, báo chí đã và đang tích cực tham gia đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, lợi dụng tự do, dân chủ, đòi đa nguyên, đa đảng; lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên để quy kết, bôi xấu chế độ, kích động, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước và gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ. Trên mặt trận tranh đấu này, báo chí cũng cần tỉnh táo, cảnh giác, lấy chính thực tiễn sinh động của đất nước đổi mới để tấn công, vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch. Đặc biệt, với tính chất phức tạp của “cuộc chiến”, báo chí cách mạng không được phép mơ hồ về bản chất và chức năng của mình. Bởi, chỉ có nắm vững sứ mệnh của người lính tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa thì báo chí mới xác định rõ chỗ đứng, góc nhìn và cách nhìn trong việc thu nhận, phân tích và công bố thông tin, nhằm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Cùng với việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động, báo chí cũng đang cho thấy sự chủ động, tích cực trong công cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; những biểu hiện, hành vi gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách Nhà nước, đất đai, tài nguyên...; những biểu hiện thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Trong thực hiện nhiệm vụ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Báo chí cần nêu những việc kiểu mẫu, phân tích rõ ràng, làm cho mọi người nhận rõ quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Và do đó mà khuyến khích quần chúng, mở rộng phong trào phê bình từ dưới lên trên”. Bên cạnh đó, với chức năng giám sát, phản biện xã hội, báo chí đang trở thành một “kênh” giám sát quá trình thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Từ đó, phát hiện, tuyên truyền, biểu dương và nhân rộng những điển hình, cách làm mới; đồng thời, theo dõi, giám sát và đấu tranh với những hành vi sai lệch, bảo đảm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực thi đúng và hiệu quả trong thực tế. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đội ngũ người làm báo đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong bài viết “Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhà báo cách mạng lại càng phải có bản lĩnh cách mạng, giữ vững vai trò định hướng thông tin. Nói cách khác, nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của Nhân dân; là tinh thần tự đổi mới, tự hoàn thiện chính bản thân mình. Đặc biệt, báo chí phải làm sao để góp phần tạo nên sự đồng tâm và sức mạnh tổng hợp to lớn cho cách mạng. Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam, xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và lòng mong đợi của Nhân dân!
Khôi Nguyên