Một số lưu ý của cán bộ, đảng viên khi tham gia Mạng xã hội
Mạng xã hội là một ứng dụng giúp kết nối mọi người ở bất cứ đâu, bất kỳ ai thông qua dịch vụ internet, giúp người dùng có thể chia sẻ những sở thích và trao đổi những thông tin cần thiết với nhau. Mạng xã hội dành cho mọi đối tượng sử dụng, không phân biệt giới tính, độ tuổi, vùng miền... Hiện nay có rất nhiều loại hình mạng xã hội khác nhau, một số mạng xã hội được người dùng sử dụng nhiều nhất ở nước ta là: Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Instagram…Việc người dùng sử dụng những mạng xã hội cũng có nhiều lợi ích và nhiều khó khăn, lợi ích đó là người dùng có thể kết nối, chia sẻ thông tin của mình cho người khác và ngược lại; tuy nhiên mạng xã hội là thế giới ảo, người dùng sử dụng lâu sẽ bị nhiễm và lầm tưởng đó là thế giới thực.
Mạng xã hội là một ứng dụng giúp kết nối mọi người ở bất cứ đâu, bất kỳ ai thông qua dịch vụ internet, giúp người dùng có thể chia sẻ những sở thích và trao đổi những thông tin cần thiết với nhau. Mạng xã hội dành cho mọi đối tượng sử dụng, không phân biệt giới tính, độ tuổi, vùng miền... Hiện nay có rất nhiều loại hình mạng xã hội khác nhau, một số mạng xã hội được người dùng sử dụng nhiều nhất ở nước ta là: Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Instagram…Việc người dùng sử dụng những mạng xã hội cũng có nhiều lợi ích và nhiều khó khăn, lợi ích đó là người dùng có thể kết nối, chia sẻ thông tin của mình cho người khác và ngược lại; tuy nhiên mạng xã hội là thế giới ảo, người dùng sử dụng lâu sẽ bị nhiễm và lầm tưởng đó là thế giới thực.
Việc tham gia hay không tham gia Mạng xã hội là quyền tự do của mỗi cá nhân. Song vai trò và nhiệm vụ của đảng viên là luôn tiên phong thể hiện vị trí, tư cách của mình trong đời sống hàng ngày, đời sống hàng ngày hiện nay phải bao gồm luôn yếu tố Mạng xã hội.
Bên cạnh đại đa số cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm, tham gia mạng xã hội một cách có văn hóa, có lập trường và chính kiến, chủ động nhận diện, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động và những thông tin xấu độc trên mạng xã hội thì vẫn còn không ít đảng viên thờ ơ, vô cảm trước những thông tin xấu độc. Có nhiều người, khi tham gia mạng xã hội ngoài việc biến face thành cuốn nhật ký hình ảnh, đưa lên đó tất cả mọi chuyện hàng ngày của mình, từ ăn uống, trang phục, mua sắm, đi đâu, vui chơi, gặp gỡ ai… một cách thái quá, không ít người đã sa vào bình phẩm đồng nghiệp, chuyện cơ quan, chuyện hàng xóm, bạn bè… một cách thiếu ý tứ. Điều đáng buồn là những chính sách, chủ trương kịp thời và đúng đắn của Đảng, Nhà nước, những hoạt động chính trị, xã hội rất đáng biểu dương của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, những bài báo hay, những tác phẩm văn học nghệ thuật có tác dụng thẩm mỹ, giáo dục cao, những thông tin khoa học có hàm lượng chất xám lớn, có tác dụng tham khảo rất tốt lại ít được cán bộ, đảng viên đưa lên face cá nhân.
Những năm gần đây, lợi dụng sự phát triển nhanh chóng công nghệ thông tin, internet, các thế lực thù địch đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phát tán nhiều loại thông tin sai trái, thù địch, xấu xa, độc hại trên mạng xã hội với mức độ, tần suất ngày càng tăng, nhằm chống phá cách mạng nước ta, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nhiều cá nhân đã bị Công an tỉnh, cơ quan chức năng xử phạt, truy tố với tội danh tung tin xuyên tạc điển hình như: Ngày 19/11/2017, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với Trần Thị Hường, sinh năm 1993, thường trú tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa vì đã thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận. Ngày 12/6/2018, Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều tra, làm rõ và thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Văn Quang, sinh năm 1987, ở xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa về hành vi tàng trữ, phát tán thông tin có nội dung chống phá Nhà nước. Ngày 29/6/2019, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Phạm Văn Điệp (54 tuổi) về hành vi “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu chống Nhà nước”. Ngày 24/7/2019, Công an huyện Thiệu Hóa đã triệu tập Lê Văn Sơn, sinh năm 2000, ở thôn 7 xã Thiệu Lý để xác minh, làm rõ hành vi đưa tin sai sự thật trên mạng facebook cá nhân để câu like… Vì thế, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên khối các cơ quan tỉnh hiện nay là cần phải tỉnh táo, nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong việc chuyển tải thông tin trên mạng xã hội.
Nội dung chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động thông qua mạng xã hội rất đa dạng, từ kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế đến pháp luật, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thậm chí đến cả diễn biến về tình hình sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Những người tham gia mạng xã hội thường được phân ra làm 3 nhóm: Một là, nhóm có ý thức tốt, có trình độ nhận thức cao, hiểu rõ, đầy đủ, đúng đắn các vấn đề thực tiễn đất nước đang diễn ra. Họ chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng cách tích cực tuyên truyền quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ. Hai là, nhóm cố tình hiểu sai, cố tình bóp méo, “bôi đen”, xuyên tạc, cố tình nói xấu, vu khống, “thổi phồng” làm sai lệch những giá trị thực, tốt đẹp của Đảng và Nhà nước. Ba là, nhóm vô tình bị lôi kéo, hùa theo những ý kiến trái chiều, phản động mà chính bản thân họ cũng chưa thể nhận ra, phần lớn họ là những người có trình độ nhận thức còn hạn chế, thiếu thông tin chính thống, có tâm lý a dua, tâm lý hiếu kỳ, đám đông...
Các thế lực thù địch, phản động đã chọn mạng xã hội như một “mặt trận” để tăng cường chống phá chế độ ta. Một số người vì nhiều lý do, trong đó có lý do thiếu hiểu biết, đã cố ý hay vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động. Vấn đề đặt ra đối với cán bộ, đảng viên hiện nay là phải biết cách sử dụng, tận dụng mạng xã hội một cách đúng đắn và hiệu quả, biến mạng xã hội thành một phương tiện, một kênh hữu ích để tuyên truyền tính đúng đắn, cách mạng, khoa học các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần phòng, chống, ngăn chặn những tư tưởng, quan điểm sai trái, lệch lạc một cách hiệu quả. Để tỉnh táo, sáng suốt làm tốt nhiệm vụ đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, các quan điểm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước trên mạng xã hội, các cấp ủy đảng, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trước hết cần lưu ý và thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, Đẩy mạnh việc học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để củng cố vững chắc thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận biện chứng duy vật trong nhận thức, phân tích, đánh giá và hoạt động công tác thực tiễn, nhằm đấu tranh chống lại quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động; tích cực học tập, quán triệt Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; trong đó tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hai là, Các cấp ủy cơ sở thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng kịp thời dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; thường xuyên tổ chức sinh hoạt nhằm kịp thời trao đổi, làm rõ, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn từ những thông tin xấu xa, độc hại, ác ý của các thế lực thù địch, phản động. Cần dựa vào những tài liệu, thông tin chính thống, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên để tổ chức cung cấp nhanh cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động những luận cứ, thông tin xác đáng và dựa vào đó, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên mạng xã hội.
Ba là, Thực hiện nghiêm Quy định 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng xã hội; Luật An ninh mạng được Quốc hội khóa XIV thông qua; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Kết luận số 53-KL/TW, ngày 04/6/2019 của Ban Bí thư về việc “Chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên internet, mạng xã hội”; Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới”.
Bốn là, Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động khi tham gia cần biến trang mạng xã hội của mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên, chính thống về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, chủ động phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay trong các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo lời Bác; tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên; nêu cao ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi cám dỗ vật chất, danh lợi; kiên gan, bền chí trước mọi thủ đoạn, mưu mô thâm độc của các thế lực thù địch.
Sự phát triển của Internet, mạng xã hội là thành tựu của nhân loại và trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, mang lại những tiện ích nhiều mặt cho con người trên toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển xã hội trên nhiều lĩnh vực, đó là điều chúng ta không thể phủ nhận. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng thành tựu đó để mạng lại những tác hại không hề nhỏ, vì vậy nhận diện và đấu tranh với những chiêu trò bôi xấu, vụ lợi trên Internet, mạng xã hội là việc làm cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong khối các cơ quan tỉnh./.
Đỗ Xuân Phong - Phó Bí thư Thường trực ĐUK các cơ quan tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 94