Chuyện người ăn xin áo đen - Đừng để ảo họa thực
Gõ từ “ăn xin áo đen” trên Google, chưa đến 0,47 giây đã có khoảng trên 23 triệu kết quả tìm kiếm. Theo thông tin báo chí, những ngày đầu tháng 12, người ăn xin áo đen xuất hiện ở một vài nơi ở các tỉnh thành phía Bắc. Tiếp đó, hình ảnh được chụp lan truyền trên cộng đồng mạng gây tâm lí hoang mang cho mọi người. Điều đáng bàn, tại một số nơi, dù không có sự việc này nhưng cư dân mạng “ đu trend” lại đăng tải hình ảnh nhằm câu like, thu hút sự chú ý một cách thái quá. Và cái kết là có nhiều trường hợp phải đến làm việc tại cơ quan công an.
Gõ từ “ăn xin áo đen” trên Google, chưa đến 0,47 giây đã có khoảng trên 23 triệu kết quả tìm kiếm. Theo thông tin báo chí, những ngày đầu tháng 12, người ăn xin áo đen xuất hiện ở một vài nơi ở các tỉnh thành phía Bắc. Tiếp đó, hình ảnh được chụp lan truyền trên cộng đồng mạng gây tâm lí hoang mang cho mọi người. Điều đáng bàn, tại một số nơi, dù không có sự việc này nhưng cư dân mạng “ đu trend” lại đăng tải hình ảnh nhằm câu like, thu hút sự chú ý một cách thái quá. Và cái kết là có nhiều trường hợp phải đến làm việc tại cơ quan công an.
“Đu trend” và cái kết
Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An là những địa phương mà “người ăn xin áo đen” được cho là xuất hiện từ những ngày đầu tháng 12. Theo những dòng tin cho thấy, ngày 6/12, Công an huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) chính thức lên tiếng về việc đối tượng xin ăn mặt đen xuất hiện trên địa bàn những ngày qua và cảnh báo tới toàn thể người địa phương về đối tượng này. Theo thông báo của Công an huyện, những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên và các tỉnh, thành lân cận xuất hiện đối tượng ăn xin có đặc điểm như sau: Nam giới khoảng 40 tuổi, cao khoảng 1m65, mặc áo dài tay đen (dạng áo khoác có mũ trùm đầu), mặc váy ống màu đen, đầu đội mũ bảo hiểm dạng nửa đầu màu đen, chân đi ủng màu xanh, người có mùi hôi thối, mặt bôi đầy chất nhầy màu đen, miệng ngậm quả gì đó, tay cầm 2 chiếc đầu gà,1 chiếc xúc xích và đĩa nhựa để xin tiền.
Đối tượng này thường tiếp cận những cửa hàng ít người nằm dọc các tuyến đường chính để thực hiện hành vi xin tiền, khi vào không nói năng gì, nếu người trong cửa hàng không cho tiền thì đối tượng không đi và ngồi lại cửa hàng làm cho tâm lý của chủ cửa hàng giật mình, hoảng sợ. Công an huyện Thủy Nguyên thông báo cho Công an các xã, thị trấn và nhân dân được biết, nếu phát hiện thông tin về đặc điểm đối tượng nghi vấn như thông báo trên, đề nghị người dân thông báo cho đội Cảnh sát hình sự - Công an huyện Thủy Nguyên theo số điện thoại 0225.3874170, hoặc cơ quan công an gần nhất để phối hợp xử lý.
Còn các địa phương khác thì liên tục phải xử lý những tin giả, tin đồn thất thiệt với mục đích nhằm câu like của đám đông hiếu kì.
Gia Lai
Ngày 05/12/2019, Trần Văn Công, hiện đang cư trú tại: TDP4, Thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, Gia Lai có sử dụng tài khoản Facebook " Công Dao Lam" đăng tải hình ảnh Công mặc bộ đồ màu đen, miệng ngậm hai quả táo mèo, trên tay cầm Dĩa có miếng lạp xưởng và một quả chanh gây hoang mang dư luận đến mọi người.
Ngày 06/12/2019 Công an Thị trấn Phú Thiện mời công dân Trần Văn Công lên trụ sở Công an Thị trấn để làm việc. Qua làm việc công dân đã thừa nhận hành vi sai trái của mình và cam đoan sẽ không tái phạm nữa đồng thời đính chính lại thông tin trên trang cá nhân "Công Dao Lam".
Tiền Giang
Ngày 05.12.2019, Công an tỉnh Tiền Giang đã mời làm việc đối tượng L.M.T ngụ Tân Lý Tây, Châu Thành, Tiền Giang để làm rõ về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, bịa đặt trên mạng xã hội.
Trước đó, ngày 04.12, L.M.T đã đăng tải trên trang facebook cá nhân hình ảnh một người mặc quần áo, giày, nón bảo hiểm cùng màu đen kèm chú thích có nội dung cho rằng người mặc quần áo đen này thuộc nhóm "Quạ đen" chuyên bắt cóc đã xuất hiện tại khu vực xã Tân Hương, Châu Thành Tiền Giang. Trong khi đó qua công tác quản lý địa bàn, trích xuất camera an ninh và thông tin quần chúng nhân dân cung cấp, Công an huyện Châu Thành khẳng định không hề có sự việc, thông tin về người "bắt cóc" nói trên.
Hải Dương
Thông tin từ Công an huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), chiều 5/12 đơn vị đã xác minh, làm rõ việc Đặng Như Chiến (19 tuổi ở thôn Đoài, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà) đăng tải hình ảnh, thông tin thất thiệt lên mạng xã hội.
Theo đó, sáng cùng ngày Chiến xúi giục nam thanh niên tên Xuân (17 tuổi ở cùng xã) đóng giả làm "người mặc đồ đen" đứng trước cổng trường Mầm non Hồng Lạc. Sau đó, Chiến chụp ảnh đăng lên facebook cá nhân để câu like.
Nghệ An
Sáng 11/12, thông tin từ UBND xã Lăng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, công an xã vừa xử phạt một thanh niên bôi mặt đen để ăn xin trên địa bàn.
Theo đó, khoảng 10h ngày 10/12, tại cổng trường THPT Bắc Yên Thành (thuộc xã Lăng Thành), người dân phát hiện một thanh niên bôi mặt đen, mặc áo mưa đứng ăn xin khiến nhiều người bức xúc.
Sau khi phát hiện, Công an xã Lăng Thành phối hợp với tổ công tác của Công an huyện Yên Thành yêu cầu người này về trụ sở để làm rõ.
Danh tính nam thanh niên này sau đó được xác làm rõ là Nguyễn Văn Ng. (trú ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành). Tại cơ quan chức năng, đối tượng Ng. thừa nhận hành vi bôi mặt đen để hù doạ mọi người. Ngay sau khi làm rõ nguyên nhân, Công an xã Lăng Thành xử phạt Nguyễn Văn Ng. 300 nghìn đồng về hành vi gây mất an ninh trật tự trước trường học.
Thanh Hóa
Ngày 16-12-2019, Công an huyện Thạch Thành đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 10 triệu đồng đối với Nguyễn Văn Long, sinh năm 1988, trú tại thôn Tượng Phong, xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) về hành vi tung tin không đúng sự thật trên Facebook.
Với hành vi trên, Nguyễn Văn Long đã vi phạm Điểm d, Khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng 2018. Vi phạm Điểm a, Khoản 3, Điều 64, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện.
Khoảng 17 giờ 40 phút ngày 6-12, trên trang Facebook có nick name “Nguyễn Thiên Long” đã đăng tải một bài viết có nội dung: “Bọn mặt đen Câm, cái đĩa có 25k về đến Kim Tân rồi nhé, mọi người cảnh giác nhé, tý nữa cháu mình up video cho mọi người xem”.
Tiếp đó, khoảng 1 giờ sau, Long tiếp tục tung 1 đoạn video clip dài 1 phút 10 giây với nội dung nói về người ăn xin bôi mặt đen đi xin tiền lên trang cá nhân của mình.Ngay sau khi sự việc trên xảy ra, Công an huyện Thạch Thành đã nhanh chóng tiến hành điều tra xác minh nội dung video clip và triệu tập Nguyễn Văn Long là chủ cá nhân trang facebook trên đến cơ quan công an. Tại đây,Nguyễn Văn Long thừa nhận video và bài viết đăng tải trên facebook là thông tin bịa đặt, và gửi lời xin lỗi đến cộng đồng mạng và người dân.
Thái độ đúng - hành động đúng
Liên quan đến hiện tượng - hành vi này, trao đổi với báo chí, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nếu những đối tượng ăn mặc kỳ dị như vậy chỉ đi ăn xin, không có hành vi đe dọa người khác, không gây rối an ninh trật tự, thì sẽ không có căn cứ để xử lý. Tuy vậy, để tránh gây hoang mang, bức xúc trong dư luận, người dân khi phát hiện những đối tượng này không nên chỉ chụp ảnh đưa lên mạng xã hội kèm theo những lời cảnh báo, thông tin "thổi phồng" sự thật, mà cần nhanh chóng trình báo, thông tin với chính quyền địa phương, cơ quan Công an nơi gần nhất.
Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng khi nhận được thông tin cần khẩn trương vào cuộc, kiểm tra giấy tờ tùy thân của đối tượng. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường tâm lý thì cần liên hệ với gia đình hoặc bệnh viện để đưa đi giám định, chứ không thể thờ ơ đứng ngoài cuộc.
Những thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí là tin bịa đặt, sai sự thật... khi được lan truyền và phát tán trên mạng xã hội không chỉ gây tâm lý hoang mang, hoài nghi cho người dân mà còn có thể gây thiệt hại về uy tín và vật chất cho các tổ chức, cá nhân liên quan, gây khó khăn trong việc thi hành công vụ của các cơ quan chức năng. Do đó, mỗi cá nhân cần thận trọng trước khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.Về hành vi của một số đối tượng cố tình dàn dựng cảnh mặc đồ đen cầm cổ gà đứng ở cổng trường rồi chụp ảnh, quay clip tung lên mạng để câu like, câu view, tùy theo tính chất mức độ của hành vi và hậu quả, đối tượng này có thể bị xử lý hành chính, thậm chí xem xét trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hành chính, theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác… sẽ bị phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân thực hiện hành vi tung tin bịa đặt, thất thiệt trên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự. Điều 288 BLHS 2015 về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông nêu rõ, người nào thực hiện một trong các hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật nhằm thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội trên có thể bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng - 7 năm.
Khi thấy có bất cứ thông tin nào lan truyền trên mạng, đặc biệt là những thông tin gây sốc, gây hoang mang, mỗi cá nhân cần kiểm tra kỹ nguồn của chúng, xác minh tính xác thực của thông tin, không nên vội vàng chia sẻ, thậm chí tự “thêm mắm thêm muối” kẻo vô tình tiếp tay cho các đối tượng có ý đồ xấu, thậm chí tự đẩy mình vào vòng lao lý. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những ai đã, đang và có ý định đăng tải thông tin bịa đặt, sai sự thật trên không gian mạng./.
Minh Minh (Nguyễn Hường) - Đài Phát thanh & truyền hình