Phong trào không sử dụng chai nhựa đựng nước trong sinh hoạt, hội họp tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh
Hiện nay, rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, mỗi năm lượng rác nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó, 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc.
Hiện nay, rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, mỗi năm lượng rác nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó, 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc.
Ở Việt Nam chúng ta, lượng rác thải nhựa cũng ngày càng gia tăng. Nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.
Rất nhiều người trong chúng ta đang có thói quen sử dụng chai nhựa đựng nước đóng sẵn vì những tiện lợi của nó, nhưng ít ai biết được đây là một thói quen vô cùng tai hại, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe mà chúng ta cần phải tránh. Trong số các chất hóa học mà chai nhựa tiết ra, có một chất khá độc hại mang tên BPA, liên quan đến những vấn đề về ung thư vú và ung thư tử cung, làm tăng nguy cơ sẩy thai, ngoài ra, BPA cũng ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển của trẻ em (theo trung tâm nghiên cứu và chính sách môi trường California).
Hưởng ứng Thư kêu gọi cả nước chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa vì môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, ngày 25/04/2019 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 24-CTr/ĐUK, ngày 12/12/2019, yêu cầu các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tham gia tích cực hoạt động bảo vệ môi trường tại cơ quan, đơn vị và địa bàn nơi cư trú, chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ môi trường; gương mẫu đi đầu và vận động thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa, sử dụng bình, cốc thủy tinh thay vì sử dụng các chai nhựa đựng nước đóng sẵn trong sinh hoạt, hội họp tại các cơ quan, đơn vị.
Trong thư, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và toàn xã hội. Vì vậy, Thủ tướng kêu gọi cả nước hãy chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Từng cơ quan, đơn vị trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm, phát động các phong trào, xây dựng, nhân rộng các mô hình, đề xuất các sáng kiến và tích cực tham gia bằng các hành động cụ thể như: Thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần...Trong chương trình hành động, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ việc sử dụng bình, cốc thủy tinh trong sinh hoạt, hội họp tại tác cơ quan, đơn vị trong năm 2020.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa
Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa trong toàn Khối đang có những hành động thiết thực để hạn chế rác thải nhựa; việc làm cụ thể nhất chính là việc nói không với chai đựng nước bằng nhựa. Tại hầu hết các cuộc họp, hội nghị, nhiều cơ quan, đơn vị Khối các cơ quan tỉnh đã chủ động thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy khối như: Sở Y tế, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Bảo hiểm xã hội, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh, Bệnh viện Nhi… có một điều thay đổi dễ nhận thấy là các đơn vị này đã không sử dụng các chai nhựa đựng nước đóng sẵn có dung tích từ 300ml đến 500ml phục vụ các đại biểu dự họp như trước đây, mà thay vào đó là những chiếc ly, cốc bằng sứ hoặc thủy tinh. Phổ biến là ly sứ được nhân viên phục vụ ở các cơ quan dùng để đựng nước trà, đặt trực tiếp lên bàn của từng đại biểu, kèm thêm một bình nước lọc để ngoài hành lang để đại biểu nào có nhu cầu dùng nước lọc thì sử dụng. Và điều đáng mừng hơn là, hiện tại nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của không ít cơ quan, đơn vị đã chủ động đóng nước vào các bình thủy tinh, inox mang từ nhà tới cơ quan để dùng trong cả buổi.
Đài Phát thành và truyền hình tỉnh Thanh Hóa
Sở Ngoại vụ Thanh Hóa
Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa
Để phong trào này tiếp tục được lan tỏa và các cơ quan, đơn vị trong Khối các cơ quan tỉnh thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả theo đúng chương trình hành động của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đề ra, các cấp ủy trực thuộc cần:
1, Tuyên truyền sâu rộng để mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động hiểu rõ về tác hại của rác thải nhựa; gương mẫu đi trong thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong công tác tại cơ quan, đơn vị; hãy chung tay hành động vì một Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, góp phần cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.
2, Các cấp ủy cơ sở tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về tác hại của túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần.
3, Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm, phát động các phong trào, xây dựng, nhân rộng các mô hình, đề xuất các sáng kiến và tích cực tham gia bằng các hành động cụ thể như: Thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần...
4, Phối hợp với lãnh đạo chuyên môn lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, các đơn vị trực thuộc phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trong cơ quan, đơn vị, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
5, Tổ chức quán triệt, phổ biến lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa; tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên; phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần”, nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm nhựa và túi nilon khó phân hủy, sử dụng một lần.
Có thể thấy, việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, vừa tiết kiệm chi phí vừa góp phần lớn trong việc giảm tải chất thải ra môi trường, đặc biệt là chất thải khó phân hủy như chai nhựa. Hy vọng, với tinh thần, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và lòng yêu nước của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong Khối các cơ quan tỉnh sẽ chung tay hành động nói “không” với chất thải nhựa nói chung và chai nhựa nói riêng tại cơ quan, đơn vị, gia đình và cả ở những nơi công cộng, góp phần xây dựng môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững./.
Nguyễn Thị Lan - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối