Bầu cử trong Đảng
Mẫu phiếu bầu cử của chi bộ như thế nào?
1. Mẫu phiếu bầu cử của chi bộ như thế nào?
TRƯỜNG XUÂN
yoyoyaya@yahoo.com
Trả lời: Điều 4, điểm 4.2, Quy chế bầu cử trong Đảng quy định về phiếu bầu cử ở đại hội đảng bộ các cấp như sau: “Phiếu bầu cử in sẵn họ, tên những người trong danh sách bầu cử, có đóng dấu của cấp uỷ ở góc trái phía trên của phiếu bầu.
Nơi không có điều kiện in phiếu, người bầu tự viết họ, tên người mình tín nhiệm trên một cỡ giấy thống nhất do ban kiểm phiếu đại hội phát hành”.
Căn cứ vào quy định nêu trên và điều kiện thực tế của chi bộ đồng chí để chuẩn bị phiếu bầu cử phù hợp.
2. Đại hội chi bộ mời cả quần chúng là những người của các ban, ngành, đoàn thể dự từ đầu tới cuối có được không?
BÙI CÔNG TƯỜNG
Lộc Vượng, Nam Định
Đại hội chi bộ là sự kiện chính trị quan trọng của đơn vị, khu dân cư mà chi bộ là hạt nhân lãnh đạo, thành phần dự là những đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ. Vì vậy, lúc khai mạc, bế mạc đại hội có thể mời những đại biểu là quần chúng tham dự. Tuy nhiên, trong đại hội có những nội dung chỉ bàn trong nội bộ Đảng. Việc mời đại diện các ban, ngành đoàn thể là những người ngoài Đảng dự từ đầu tới cuối đại hội là không nên.
1. Trong văn bản nên dùng cụm từ “đảng viên A thuộc đảng bộ B” hay “đảng viên A thuộc đảng uỷ B”?
2. “Cấp uỷ” dùng để chỉ chi uỷ có được không?
HOÀNG BÁ KHANG
Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
1. Điều lệ Đảng khi nói về tổ chức đảng sử dụng thuật ngữ “chi bộ hoặc đảng bộ bộ phận trực thuộc đảng uỷ”. Còn cá nhân các đảng viên là những thành viên của đảng bộ đó. Vì vậy, cách gọi đúng là: Đảng viên A thuộc đảng bộ B.
2. Theo quy định tại điểm 2, Điều 9 Điều lệ Đảng: “Giữa hai kỳ đại hội cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ” (gọi tắt là cấp uỷ). Như vậy, “cấp uỷ” cũng được dùng để nói về chi uỷ.
3. HỎI: Trong hội nghị giữa nhiệm kỳ của chi bộ cơ sở đã cử một đảng viên dự bị làm thư ký ghi biên bản, như vậy có được không
TRẢ LỜI: Điều 3, Điều lệ Đảng quy định đảng viên có 4 quyền, đảng viên dự bị có các quyền đó trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng.
Như vậy, việc chi bộ cơ sở cử đảng viên dự bị làm thư ký ghi biên bản trong hội nghị giữa nhiệm kỳ của chi bộ là không sai với quy định của Điều lệ Đảng.
4. Hỏi: Trong đại hội chi bộ, một đảng viên chính thức vắng mặt có lý do. Khi đại hội đã bầu xong chi ủy thì đồng chí lại đến dự và tham gia bầu bí thư chi bộ, như vậy có được không
TRẢ LỜI: Điều 19, Quy chế bầu cử trong Đảng quy định: “Đại hội chi bộ (kể cả chi bộ cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở) trực tiếp bầu ban chi ủy, sau đó bầu bí thư, phó bí thư trong số chi ủy viên; nơi không có ban chi ủy, thì chi bộ trực tiếp bầu bí thư, nếu cần bầu phó bí thư chi bộ...”.
Về cách tính kết quả bầu cử ở đại hội chi bộ Điều 20(20.1) trong Quy chế ghi rõ: “Người trúng cử phải đạt số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đảng viên chính thức của đảng bộ, chi bộ, trừ số đảng viên đã được giới thiệu sinh hoạt đảng tạm thời ở đảng bộ khác, đảng viên đã được miễn công tác và sinh hoạt không có mặt ở đại hội (nếu đảng viên đó có mặt ở đại hội và tham gia bầu cử thì vẫn được tính), số đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng, bị khởi tố, truy tố, tạm giam”.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp đảng viên chính thức vắng mặt ở đại hội chi bộ có lý do, đến phần bầu bí thư chi bộ lại có mặt và tham gia bầu cử là không sai với Quy chế bầu cử trong Đảng.
5. HỎI: Do không đủ 9 đảng viên, chi bộ chỉ bầu bí thư, không bầu chi ủy. Vậy có phải xây dựng quy chế làm việc của bí thư chi bộ không
TRẢ LỜI: Điểm 12(12.1), Điều 9, Quy định số 23-QĐ/TW ngày 31-10-2006 của Bộ Chính trị khóa X, phần hướng dẫn về quy chế làm việc của cấp ủy và tổ chức đảng các cấp ghi: “Căn cứ vào Điều lệ Đảng và quy chế làm việc của cấp ủy cấp trên, các cấp ủy đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan tham mưu của Đảng đều phải xây dựng quy chế làm việc đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn được giao. Tổ chức đảng phải báo cáo với tổ chức đảng cấp trên và thông báo cho tổ chức đảng cấp dưới biết quy chế làm việc của mình”.
Căn cứ quy định trên, những tổ chức đảng có cấp ủy mới phải xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy. Trường hợp chi bộ của đồng chí có 5 đảng viên (chỉ có bí thư, không bầu chi ủy) không phải xây dựng quy chế làm việc của riêng bí thư, chỉ xây dựng quy chế làm việc của chi bộ, trong đó có quy định trách nhiệm và quyền hạn của bí thư chi bộ.
6. Hỏi: 1. Chi bộ có trên 9 đảng viên chính thức, đại hội chi bộ bầu chi ủy gồm 3 đồng chí, đồng chí cao phiếu nhất là bí thư chi bộ, 2 đồng chí còn lại là chi ủy viên, không có phó bí thư. Như vậy có đúng không?
2. Chi bộ nơi cư trú của đảng viên đang công tác tại các cơ quan nhà nước có những nhiệm vụ gì?
Trả lời: 1. Điểm 4, Điều 24, Điều lệ Đảng khóa X quy định: “Chi bộ có dưới chín đảng viên chính thức, bầu bí thư chi bộ; nếu cần bầu phó bí thư. Chi bộ có chín đảng viên chính thức trở lên, bầu chi ủy, bầu bí thư và phó bí thư chi bộ trong số chi ủy viên”.
Căn cứ quy định trên, trường hợp chi bộ đồng chí có trên chín đảng viên chính thức, chi bộ bầu chi ủy, sau đó bầu bí thư và bầu phó bí thư trong số chi ủy viên mới đúng quy định của Điều lệ Đảng.
2. Theo Điều 4, Quy định số 76-QĐ/TW ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị khóa VIII thì cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên cư trú có nhiệm vụ: Chủ động nắm số lượng đảng viên, họ tên, địa chỉ công tác... của từng đảng viên đang cư trú ở phường, xã, khu dân cư của mình.
Định kỳ và khi cần thông báo cho đảng viên biết tình hình, nhiệm vụ của địa phương có liên quan để đảng viên nắm được thông tin, gương mẫu thực hiện, vận động gia đình và nhân dân thực hiện.
Định kỳ hằng năm hoặc khi cần thông báo với cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên đang công tác về tình hình đảng viên thực hiện nhiệm vụ ở nơi cư trú; đề nghị biểu dương những đảng viên thực hiện tốt và góp ý kiến với những đảng viên chưa thực hiện tốt hoặc có thiếu sót, khuyết điểm ở nơi cư trú.
7. Hỏi: chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở có ít đảng viên chỉ bầu bí thư và phó bí thư. Trước đại hội, đồng chí bí thư chuyển công tác, đồng chí phó bí thư lãnh đạo chuẩn bị các nội dung để đại hội chi bộ và được đảng ủy chuẩn y. Cách đại hội một ngày, đồng chí phó bí thư có việc đột xuất phải vắng mặt. Đảng ủy chỉ đạo chi bộ vẫn đại hội theo đúng kế hoạch và phân công một đảng ủy viên là đảng viên trong chi bộ trực tiếp điều hành đại hội và được đại hội biểu quyết nhất trí 100%.
Chi bộ có 2 loại ý kiến:
1. Việc phân công 1 đảng ủy viên không phải là cấp ủy viên cùng cấp điều hành đại hội như chủ tịch đại hội là không đúng.
2. Chỉ đạo của đảng ủy là phù hợp với quy định của Điều lệ Đảng.
Ý kiến nào là đúng?
Trả lời: Điểm 7, Điều 11, Điều lệ Đảng quy định: “Đại hội bầu đoàn chủ tịch (chủ tịch) để điều hành công việc của đại hội”.
Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 77-QĐ/TW ngày 22-6-2000 của Bộ Chính trị khóa VIII tại điểm 6.1, Điều 6 cũng quy định: “ở đại hội các chi bộ bầu đoàn chủ tịch hoặc chủ tịch đại hội”.
Tại đại hội chi bộ, đồng chí đảng ủy viên, đồng thời là đảng viên sinh hoạt trong chi bộ cũng có các quyền và nghĩa vụ như mọi đảng viên khác. Vì vậy, việc đồng chí đó được cấp ủy cấp trên giới thiệu để đại hội bầu là chủ tịch đại hội để điều hành công việc đại hội và đã được đại hội biểu quyết nhất trí là đúng với quy định của Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng.
8. Hỏi: 1. Việc mặc niệm các anh hùng, liệt sỹ có phải là thủ tục bắt buộc trong đại hội đảng không?
2. Tại đại hội chi bộ khi bầu cấp ủy, bí thư và phó bí thư, chi bộ dùng phiếu bầu không ghi tên ứng cử viên có sai nguyên tắc bầu cử trong Đảng không?
Trả lời: 1. Hướng dẫn số 03-HD/BTCTW ngày 29-12-2006 của Ban Tổ chức Trung ương đã hướng dẫn các bước tiến hành đại hội trong quy trình tổ chức đại hội, tại điểm 13(13.1d) ghi rõ:
“- Chào cờ (hát Quốc ca, Quốc tế ca).
- Bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu (nếu đã bầu ở phiên trù bị thì mời lên làm việc).
- Diễn văn khai mạc, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
- Đọc báo cáo chính trị.
- Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu (ở đại hội đảng viên báo cáo tình hình đảng viên tham dự đại hội).
- Thảo luận báo cáo chính trị và văn kiện cấp trên (nếu có).
- Phát biểu của đại diện cấp ủy cấp trên.
- Thực hiện việc bầu cử.
- Thông qua nghị quyết đại hội và chương trình hành động.
- Bế mạc (hát Quốc ca, Quốc tế ca).
Như vậy, trong các bước tiến hành đại hội không quy định thủ tục bắt buộc là tổ chức mặc niệm các anh hùng, liệt sỹ.
2. Tại Điều 4, điểm 4.2, Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 77- QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa VIII đã quy định về phiếu bầu cử được sử dụng trong đại hội như sau: Phiếu bầu cử in sẵn họ, tên những người trong danh sách bầu cử, có đóng dấu của cấp ủy ở góc trái phía trên của phiếu bầu. Nơi không có điều kiện in phiếu, người bầu tự viết họ, tên người mình tín nhiệm trên một cỡ giấy thống nhất do ban kiểm phiếu đại hội phát hành.
Căn cứ quy định trên, trường hợp trong đại hội chi bộ sử dụng phiếu bầu không in sẵn họ tên những người trong danh sách bầu cử không sai với Quy chế bầu cử trong Đảng, nhưng phiếu bầu đó phải do ban kiểm phiếu đại hội phát hành.
9. Hỏi: Nhiệm kỳ của đảng ủy bộ phận hiện nay theo quy định của Điều lệ Đảng thực hiện như thế nào?
Trả lời: Điểm 1, Điều 22 Điều lệ Đảng khóa X quy định: “Đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên của tổ chức cơ sở đảng do cấp ủy cơ sở triệu tập năm năm một lần; có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn nhưng không quá một năm”.
Điểm (14.2)c, Quy định số 23-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng ngày 31-10-2006 của Bộ Chính trị khóa X đã ghi rõ: “…Nhiệm kỳ của đảng ủy bộ phận như nhiệm kỳ của đảng ủy cơ sở”.
Căn cứ các quy định trên, thì nhiệm kỳ của đảng ủy bộ phận nay là năm năm một lần.